Ta thường nghe: Phở chín khi cần có thể dùng như Phở Tái; Hành khô chìa lưng chịu nắng, có thể thay cho Hành Tươi; Thịt nướng trên than hoa, có thể báo thù cho ngạ chủ (người đói); Gà quay chặt đùi có thể cứu nạn cho học trò xa nhà. Bò thăn một cân thái nhỏ, cũng phò Sinh viên thoát khỏi vòng vây Giặc đói; Kê trảo nướng một bó, miệng cắn vào, không nhanh thì hết cả. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì bát nước dùng, đời nào chẳng có ? Ví thử mấy người đó mà không khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết đói ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?
Các người vốn đang no chưa có lòng ăn uống, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Cơm, Cháo hàng ngày mà nói: Cơm tám là món thế nào ? Bò xào hoa lý, cùng nhiều gia vị khác là món thế nào? Vậy mà đem một cái âu cơm nhỏ tày cái đấu ăn hết có thể đương đầu với đống sách vở đông cả trăm vạn, khiến cho sĩ tử nhà trường quận Cam đến nay còn phát thèm thuồng! Nộm xoài thái lan là món thế nào? Nui bơ đường cùng các biến thể của nó lại là món thế nào? Vậy mà giúp Ma Vương xông vào chốn code, scrip lủng củng muôn dặm, sơn sửa Quan Cốc trong khoảng vài giờ, khiến cho phố phường sạch đẹp, công đức vô lượng tới nay còn lưu tiếng tốt!
Huống chi, ta cùng các người sinh ra phải thời loạn xạ, lớn lên gặp buổi khó khăn. Lén nhìn người ta nhậu nhẹt nghênh ngang ngoài đường, nói líu lưỡi không ra hơi mà còn gọi em “Huệ”(1); đem tấm thân say khướt mà coi đường thẳng thành đường vòng. Ỷ có nhiều tiền mà đòi giò lụa, gà tần để phụng sự lòng tham ăn khôn cùng; khoác mỹ hiệu Ẩm thực mà ăn bạc ăn vàng, vét kiệt sức chịu của bao tử có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi đau dạ dày về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm thấy đói, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; mới biết tầm quan trọng của lương thực, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống tiết canh vịt(2); dẫu cho trăm thân ta chạy hoài toilét, nghìn thây ta ngập trong say xỉn, cũng nguyện xin làm.
Các người ở lâu nhăm nhe dưới đất Hà thành, Sẵn nắm giữ nồi niêu, không có bánh mỳ thì lấy tiền ra chợ mua; không có cá thì ta cho cần mà đi câu. Nước thấp thì ta quăng cước xa; mồi ít thì ta đào gium. Quân thủy thì ta cho lội bị bõm; Quân bộ thì ta cho đào đất nhóm lò. Vào trận nhậu thì cùng tranh nhau sống chết; được uống rượu xỉn rồi thì cùng nhau vui cười. Ra chỗ công viên ngồi thư giãn, so với thiên đường nào có kém gì?
Nay các ngươi ngồi nhìn nhau bị xì trét mà không biết lo; thân chịu suy dinh dưỡng mà không biết thẹn. Làm việc cả tháng không được xả hơi mà không biết tức; nghe nhạc KaraOke người ta hát phô mà không biết căm. Có kẻ lấy việc viết lách làm vui; có kẻ lấy việc bại sự làm thích. Có kẻ chăm lo cày cuốc để cung phụng sư tử; có kẻ quyến luyến bồ bịch để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ mải kiếm tiền mà quên đi thú tiu tiền; có kẻ ham trò cưa cẩm mà trễ hẹn chơi chung. Có kẻ thích rượu ngon mà không có bạn hiền; có kẻ mê mút sữa mà không người ủng hộ. Nếu bất chợt có cơn đói tràn sang thì viết lách hoài thể làm bớt mày xẩm mắt hoa; mẹo bại sự không đủ làm phấn khích cơ thể đang yểu nhược. Bồ bịch nhiều không điều khiển nổi tấm thân ngàn vàng; Sư tử quát mắng nhiều không ích gì cho việc cơm nước. Tiền của dẫu lắm không mua được cái gì ăn cho nó vui vẻ; Sữa tuy ngon có thể làm tăng mạch đập phấn kích được sao. Chén rượu ngọt ngon mà không có “bê tông” thì cũng say chết; giọng hát KaraOke réo rắt nhà hàng xóm không làm cơn đói điếc tai. Lúc bấy giờ “các cơ quan đoàn thể” đều suy nhược, đau xót biết chừng nào! Chẳng những sức lực của ta không còn mà sự vui vẻ của các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những công việc của ta không làm nổi mà lương tháng cũng chẳng để làm gì; chẳng những bồ bịch của ta bị kẻ khác dắt đi mà những chuyện đau bụng, đi toilét của các người cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta chẳng còn sức đi tắm,kiếp này chịu bẩn đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tật xấu còn lưu, mà tên họ các ngươi cũng không khỏi mang danh là tay vừa gầy vừa “kém tắm”. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi có muốn ăn chơi thỏa thích, phỏng còn có được chăng?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới nồi lẩu" làm kim chỉ nam; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà ăn ngay thịt nguội" làm phương án hành động. Phải vệ sinh răng miệng, tập dượt răng lưỡi, khiến cho ai nấy đều bụng bự cỡ như Ma Vương, mọi người đều bồ tượng như Xbox, có thể bêu đầu cá dưới que xiên nướng, mần thịt hết đống bánh mỳ thịt hộp ở trong bọc. Như thế chẳng những sức khỏe của ta mãi mãi vững bền mà bồ bịch các ngươi cũng suốt đời hú hí; chẳng những làm việc tại cơ quan mà như được nằm ấm êm trên giường nệm, mà tiền nong các người trong túi cứ sum vầy; chẳng những các môn thể thao người có thể chơi mà thân thể vẫn càng ngày càng múp míp; chẳng những thân Rùa ta kiếp này thỏa chí, mà đến các người, trăm ngày sau còn thấy vui thay; chẳng những danh hiệu sát thủ Hà Thành không hề mai một, mà hình dáng tên tuổi các cao thủ cũng được ghi nhớ. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn hoan lạc, phỏng có được không ?
Nay đại hội trù bị đã chọn lọc, lập kế hoạch ăn chơi sa đọa các nhà hợp thành một chuyến, gọi là Đại Hội Hà Thành Sa Đọa Version 2.0 – 2008, tổ chức theo kiểu dã ngoại ăn đồ ăn sẵn, câu cá giải trí, được con nào xào con đó tại Gia Lâm Hà Nội, tay trong tay, môi trong môi vào ngày 20/08/2008.
Nếu các người biết tin này, lại theo lời ta khuyến cáo, thì trọn đời vui sướng; nhược bằng khinh bỏ kế hoạch này, mà không tham dự thì trọn đời tiếc nuối không nguôi.
Vì sao vậy ? Cơn xì trét với chúng ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn giải tỏa, không lo trừ tận gốc, lại không chịu ăn uống nhậu nhẹt, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu sự buồn bã của cuộc đời. Nếu vậy, rồi đây, sau khi đại hội xong rồi, lại để tiếc rẻ muôn đời, há còn mặt mũi nào mà bàn chuyện ăn chơi trong chốn này nữa?
Cho nên ta viết bài hịch này để các người hiểu rõ bụng ta (đang đói)